Trong vài tháng cuối cùng của năm 2022 chuẩn bị bước sang năm 2023, dòng vốn từ các quỹ đã quay trở lại nhiều hơn trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các quỹ ngoại. Các quỹ đã quay sang mua ròng thay vì động thái bán ròng trong cả giai đoạn trước đó. Vậy thực sự các quỹ đã có một năm 2022 ra sao và họ đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam trong năm 2023 tới đây?
Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài chính", bà Nguyễn Thị Hằng Nga Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho biết năm 2022 thị trường đã giảm khoảng 30,5% từ đầu năm. Nếu không có quá nhiều thay đổi về điểm số thì năm 2022 sẽ là năm có mức giảm điểm lớn thứ hai trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp sau năm 2008.
Theo bà Nga, nói về mức độ biến động của thị trường chúng ta thường nhìn vào độ lệch chuẩn, tính cho năm nay vào khoảng 25%, cũng là một trong những mức cao nhất trong lịch sử. Tỷ lệ này chỉ thấp hơn năm 2001 và giai đoạn 2006 – 2009. Như vậy cũng có thể thấy năm 2022 là năm vô cùng khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam, nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước.
Chuyên gia đánh giá lạm phát là một vấn đề lớn trên toàn cầu khiến cho các ngân hàng trung ương của khoảng 90 nước đã thực hiện thắt chặt tiền tệ. Nền kinh tế lớn nhất toàn cầu là Mỹ đã phải tăng lãi suất tới 6 lần và điều này sẽ gây áp lực lớn lên các đồng tiền của các nước khác, trong đó có đồng Việt Nam.
Ngân hàng nhà nước đã phải điều chỉnh tỷ giá cũng như tăng lãi suất, Chính phủ cũng tăng cường siết chặt các kỷ cương trên thị trường vốn, bao gồm cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu.